Sinh 11 - Bài 15 TIÊU HÓA Ở ĐỘNG VẬT

 A- LÝ THUYẾT 

I. TIÊU HÓA LÀ GÌ ?

1. Khái niệm:

Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.

- Động vật là sinh vật dị dưỡng, chỉ có thể tồn tại và phát triển nhờ lấy các chất dinh dưỡng (có trong thức ăn) từ môi trường ngoài.

- Các chất dinh dưỡng hữu cơ như protein, lipit và cacbohidrat thường có cấu trúc phức tạp → cần phải trải qua quá trình biến đổi trong hệ tiêu hóa của động vật tạo thành các chất dinh dưỡng đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.

- Các chất dinh dưỡng được hấp thụ sẽ tham gia vào các quá trình chuyển hóa bên trong tế bào (chuyển hóa nội bào).

- Các sản phẩm phân hủy từ quá trình chuyển hóa nội bào sẽ được thải ra bên ngoài thông qua hệ bài tiết, hô hấp.

2. Các hình thức tiêu hoá:

Tiêu hóa ở động vật gồm:

- Tiêu hóa nội bào (tiêu hoá trong tế bào)

- Tiêu hóa ngoại bào (tiêu hoá bên ngoài tế bào).

II. TIÊU HÓA Ở ĐỘNG VẬT CHƯA CÓ CƠ QUAN TIÊU HÓA.

 - Động vật đơn bào: trùng roi, trùng giày, amip …

- Động vật chưa có cơ quan tiêu hoá → tiêu hoá nội bào

- Quá trình tiêu hóa nội bào gồm 3 giai đoạn :

+ Màng tế bào lõm vào hình thành không bào tiêu hoá chứa thức ăn bên trong

+ Lizoxom gắn vào không bào tiêu hoá, các enzyme của lizoxom vào không bào tiêu hoá và thuỷ phân các chất dinh dưỡng phức tạp thành các chất đơn giản.

+ Hấp thu chất dinh dưỡng đơn giản vào tế bào chất, phấn thức ăn không được tiêu hoá trong không bào được đưa ra ngoài theo kiểu xuất bào.

Hình 1: Tiêu hoá nội bào ở trùng giày

III. TIÊU HÓA Ở ĐỘNG VẬT CÓ TÚI TIÊU HÓA.

- Động vật: Ruột khoang và Giun dẹp. Đại diện: thủy tức, sán…

- Cấu tạo túi tiêu hóa :

Hình túi, túi tiêu hóa có một lỗ thông duy nhất (vừa là nơi thức ăn đi vào và chất thải tiêu hoá đi ra), trên thành túi có nhiều tế bào tuyến tiết enzim tiêu hóa vào lòng túi tiêu hóa.

→ Hình thức tiêu hoá: tiêu hoá ngoại bào →tiêu hoá nội bào.

- Quá trình tiêu hoá:

Khi thức ăn vào trong túi tiêu hoá, các tế bào tuyến tiết enzyme tiêu hoá để thuỷ phân thức ăn thành các phần có kích thước bé hơn (tiêu hoá ngoại bào) → Thức ăn được tiêu hoá dở dang được vận chuyển vào trong tế bào biểu mô để tiến hành tiêu hoá nội bào → Các chất dinh dưỡng được giữ lại, các chất thải được đưa ra ngoài qua lỗ thông.

Hình 2: Tiêu hoá thức ăn trong túi tiêu hoá của thuỷ tức

IV. TIÊU HÓA Ở ĐỘNG VẬT CÓ ỐNG TIÊU HÓA.

- Động vật: Động vật có xương sống và nhiều động vật không xương sống.

- Cấu tạo ống tiêu hoá:

Ống tiêu hoá được phân hoá thành nhiều bộ phận thực hiện các chức năng khác nhau:  miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn và các tuyến tiêu hoá.

- Quá trình tiêu hoá trong ống tiêu hoá:

  • Trong ống tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào nhờ hoạt động cơ học và nhờ tác dụng của dịch tiêu hóa thành các chất hữu cơ đơn giản sau đó được hấp thụ vào máu. 
  • Các chất không được tiêu hoá trong ống tiêu hoá sẽ thành phân và thải ra ngoài theo lỗ hậu môn
  • Thức ăn được di chuyển theo một chiều trong ống tiêu hoá.

1. Ống tiêu hóa đơn giản (giun đốt)

Ống thẳng, chưa có tuyến tiêu hóa, có hay không có hậu môn

2. Ống tiêu hóa bắt đầu chuyên hóa (côn trùng)

Có tuyến tiêu hóa (Tuyến gan ở tôm), có phần phụ miệng, ruột tịt tiết dịch tiêu hoá

Hình 1: Ống tiêu hoá ở giun đất (a) và ở châu chấu (b)

3. Ống tiêu hóa chuyên hóa (chim thú)

Ống và các tuyến tiêu hoá phức tạp, có phân hoá rõ về cấu tạo, chuyên hoá về chức năng.

Hình 2: Ống tiêu hoá ở bò sát và chim


VIDEO BÀI GIẢNG

 

B. TRẢ LỜI CÂU HỎI SAU SGK

Giải bài tập trang 66 bài 15 tiêu hóa ở động vật Sách giáo khoa (SGK) Sinh học 11. Câu 1: Cho biết sự khác nhau giữa tiêu hóa nội bào và tiêu hóa ngoại bào...

Bài 1,2,3,4 trang 66 SGK Sinh 11

Câu 1. Cho biết sự khác nhau giữa tiêu hóa nội bào và tiêu hóa ngoại bào.

Trả lời:

+ Tiêu hóa nội bào là tiêu hóa thức ăn ở bên trong tế bào. Thức ăn được tiêu hóa hóa học trong không bào tiêu hóa nhờ hệ thống enzim:

+ Tiêu hóa ngoại bào là tiêu hóa thức ăn bên ngoài tế bào. Thức ăn có thể được tiêu hóa hóa học trong túi tiêu hóa hoặc được tiêu hóa cả về mặt cơ học và hóa học trong ống tiêu hóa.

Câu 2. Ống tiêu hóa phân hóa thành những bộ phận khác nhau có tác dụng gì?

Trả lời:

Ông tiêu hóa phân hóa thành những bộ phận khác nhau có tác dụng làm tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn.

Câu 3. Tại sao lại nói tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa là tiêu hóa ngoại bào?

Trả lời: 

Nói tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa là tiêu hóa ngoại bào vì thức ăn được tiêu hóa trong lòng ống tiêu hóa, bên ngoài tế bào.  

Câu 4. Cho biết những ưu điểm của tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa so với trong túi tiêu hóa?

Trả lời:

Những ưu điểm của tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa so với trong túi tiêu hóa là:

-       Thức ăn đi theo 1 chiều trong ống tiêu hóa không bị trộn lẫn với chất thải  ( phân); thức ăn trong túi tiêu hóa bị trộn lẫn với chất thải.

-        Trong ống tiêu hóa dịch tiêu hóa không bị hòa loãng, còn trong túi tiêu hóa, y dịch tiêu hóa bị hòa loãng với rất nhiều nước.

Nhờ thức ăn đi theo một chiều, nên ống tiêu hóa hình thành các bộ phận chuyển hóa, thực hiện các chức năng khác nhau như tiêu hóa cơ học, tiêu hóa hóa học. Hấp thụ thức ăn trong khi đó, túi tiêu hóa không có sự chuyển hóa như trong ống tiêu hóa.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Đọc tiếp:
Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok