Phần
VI. TIẾN HÓA
Bài 24. CÁC BẰNG CHỨNG TIẾN HÓA
I. Bằng chứng giải phẫu học so sánh
Sự tương đồng về nhiều đặc điểm
giải phẫu giữa các loài là những bằng chứng gián tiếp cho thấy các loài sinh
vật hiện nay được tiến hóa từ một tổ tiên chung.
1. Cơ quan tương đồng (cùng nguồn)
- Là những cơ quan nằm ở những
vị trí tương ứng trên cơ thể, có cùng nguồn gốc trong quá trình phát triển phôi
cho nên có kiểu cấu tạo giống nhau.
- Ví dụ:
+ Chi trước của các loài động
vật có xương sống có các xương phân bố theo thứ tự từ trong ra ngoài là: xương
cánh, xương cẳng, xương cổ, xương bàn và xương ngón. Tuy nhiên, các xương trong
chi đã biến đổi về nhiều chi tiết, hình dạng bên ngoài của chi rất khác nhau.
+
Tuyến nọc độc của rắn tương đồng với tuyến nước bọt của các động vật khác.
+
Vòi hút của bướm tương đồng với đôi hàm dưới của các sâu bọ khác.
+
Gai xương rồng, tua cuốn của đậu Hà Lan là biến dạng của lá.
- Kiểu cấu tạo giống nhau của
các cơ quan tương đồng phản ánh nguồn
gốc chung của chúng. Cơ quan tương đồng phản ánh sự tiến hóa phân ly. Những sai khác về chi tiết là do
chúng thực hiện những chức năng khác nhau.
2. Cơ
quan thoái hóa
- Cơ quan thoái hóa cũng là cơ
quan tương đồng vì chúng bắt nguồn từ một cơ quan ở một loài tổ tiên chung
nhưng lại phát triển không đầy đủ ở cơ thể trưởng thành. Do điều kiện sống của
loài đã thay đổi, các cơ quan này mất dần chức năng ban đầu, tiêu giảm dần hiện
nay chỉ để lại một vài vết tích xưa kia của chúng.
- Ví dụ:
+ Ở người: Ruột thừa là vết
tích của ruột tịt vốn rất phát triển ở động vật ăn cỏ.
+ Cá voi: Các chi sau tiêu giảm
còn di tích của xương đai hông, xương đùi, xương chày.
+ Động vật có vú: Con đực có di
tích của tuyến sữa không hoạt động.
+
Ở thực vật: Trong hoa đực của cây đu đủ có 10 nhị, ở giữa vẫn còn di tích nhụy.
Ở hoa ngô cũng vậy, có khi di tích nhụy lại phát triển, làm xuất hiện những hạt
ngô trên bông cờ.
-
Trường hợp cơ quan thoái hóa phát triển mạnh và biểu hiện ở một cá thể nào đó
gọi là hiện tượng lại tổ. Ví dụ:
Người có vài đôi vú; có đuôi dài 20 - 25 cm.
- Cơ quan thoái hóa được xem là
bằng chứng tiến hóa vì nó phản ánh mối quan hệ giữa các loài, thực chất nó cũng
là cơ quan tương đồng.
3. Cơ
quan tương tự (cùng chức)
- Là những cơ quan có nguồn gốc
khác nhau nhưng đảm nhiệm những chức năng giống nhau nên có hình thái tương tự.
- Ví dụ:
+ Cánh sâu bọ và cánh dơi; mang
cá và mang tôm; chân chuột chũi và chân dế dũi.
+ Gai cây hoàng liên (là biến
dạng của lá) và gai cây hoa hồng (do sự phát triển của biểu bì thân).
- Cơ quan tương tự phản ánh sự tiến hóa đồng quy. Các
loài sinh vật khác nhau sống trong những điều kiện môi trường tương tự nhau nên
chịu áp lực của chọn lọc tự nhiên như nhau nên có đặc điểm thích nghi tương tự.
- Cơ quan tương tự không được xem là bằng chứng tiến hóa.
II. Bằng chứng sinh học phân tử
- Dựa trên sự thống nhất về cấu
tạo và chức năng của ADN, prôtêin, mã di truyền,… cho thấy các loài trên Trái
Đất đều có tổ tiên chung:
+ ADN của các loài đều được cấu
tạo từ 4 loại nuclêôtit là A, T, G, X.
+ Prôtêin được cấu tạo từ 20
loại axit amin và có các chức năng: cấu trúc, enzim, điều hòa,…
+ Mã di truyền mang tính thống
nhất ở mọi sinh vật.
- Người ta có thể dựa vào trình
tự các nuclêôtit của cùng một kiểu gen, trình tự các axt amin của cùng một loại
prôtêin để xác định mức độ họ hàng giữa các loài. Các loài có quan hệ họ hàng
càng gần nhau thì trình tự, tỉ lệ các nuclêôtit và các axit amin càng giống
nhau và ngược lại
- Những bằng chứng tế bào học
và sinh học phân tử chứng tỏ nguồn gốc thống nhất của các loài.
- Để xác định mức độ tương đồng
về trình tự nuclêôtit giữa các loài người ta sử dụng phương pháp lai phân tử
(Lai các phân tử ADN của các loài khác nhau và đánh giá mức độ tương đồng qua
khả năng bắt cặp bổ sung giữa các sợi ADN đơn thuộc 2 loài khác nhau).
VIDEO BÀI GIẢNG
TRẢ LỜI CÂU HỎI SAU SGK
Bài 1, 2 trang 107 SGK Sinh 12
Bài 1. Tại sao để xác định mối quan hệ họ hàng giữa các loài về các đặc điểm hình thái thì người ta lại hay sử dụng các cơ quan thoái hoá?
Trả lời:
Cơ quan thoái hóa hay được sử dụng như bằng chứng nói lên mối quan hệ họ hàng giữa các loài vì cơ quan thoái hóa không có chức năng gì nên không được CLTN giữ lại. Chúng được giữ lại ở các loài đơn giản là do được thừa hưởng các gen ở loài tổ tiên.
Bài 2. Hãy tìm một số bằng chứng ở mức độ sinh học phân tử đế chứng minh mọi sinh vật trên Trái Đất đều có chung một nguồn gốc.
Trả lời:
- Có rất nhiều bằng chứng phân tử chứng minh mọi sinh vật trên Trái Đất đều có chung tổ tiên.
- Ví dụ, mọi loài sinh vật đều có vật chất di truyền là ADN, đều có chung mã di truyền, có chung cơ chế phiên mã và dịch mã, có chung các giai đoạn của quá trình chuyển hóa vật chất như đường phân.
Bài 3, 4 trang 107 SGK Sinh 12
Bài 3. Địa lí sinh học là gì? Nghiên cứu về địa lí sinh học cung cấp cho ta những bằng chứng gì về sự tiến hoá của sinh giới?
Trả lời:
Nghiên cứu về sự phân bố của các loài trên Trái Đất có thể cung cấp cho ta bằng chứng gián tiếp về mối quan hệ họ hàng giữa các loài. Ví dụ, Đacuyn nghiên cứu so sánh các đặc điểm hình thái của các loài chim sẻ trên quần đảo Galapagos và các loài chim ở vùng Trung Mĩ. Ông đã đi đến kết luận là các loài chim trên đảo có nguồn gốc từ đất liền Trung Mĩ.
Bài 4. Tại sao những cơ quan thoái hoá không còn giữ chức năng gì lại vẫn được di truyền từ đời này sang đời khác mà không bị chọn lọc tự nhiên loại bỏ?
Trả lời:
- Các gen quy định cơ quan thoái hóa không bị CLTN đào thải vì những cơ quan này thường không gây hại gì cho cơ thể sinh vật.
- Những gen này chỉ có thể bị loại khỏi quần thể bởi các yếu tố ngẫu nhiên vì thế có thể thời gian tiến hóa còn chưa đủ dài để các yếu tố ngẫu nhiên loại bỏ các gen này.