Trả Lời Câu Hỏi SGK Lịch Sử 12- Bài 16 Phong trào giải phóng dân dộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám (năm 1939-1945). Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời

I. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

Câu 1: Tình hình nước ta trong những năm 1939 - 1945 có biến chuyển như thế nào?

Trả lời:

Về chính trị:

  • Đầu tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.
  • Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức.
  • Chính sách của Pháp ở Đông Dương thay đổi:
    • Tăng cường đàn áp cách mạng.
    • Ra lệnh động viên, vơ vét tối đa sức người, sức của ở Đông Dương dốc vào chiến tranh.
  • Quân Nhật tiến vào Đông Dương
  • Tháng 9/1940, quân Nhật tiến vào Việt Nam.
    • Quân Pháp nhanh chóng đầu hàng, câu kết với phát xít Nhật cùng thống trị, bóc lột nhân dân ta.
    • Nhật và tay sai ra sức tuyên truyền, lừa bịp về văn minh và sức mạnh Nhật Bản...
  • Năm 1945, ở mặt trận châu Á -Thái Bình Dương, quân Nhật thua to ở nhiều nơi.
  • Ở Đông Dương, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương.
  • Quần chúng nhân dân sục sôi khí thế, sẵn sàng khởi nghĩa giành lại độc lập.

Về kinh tế

  • Thực dân Pháp: đẩy mạnh chính sách vơ vét tối đa Đông Dương, thi hành chính sách “Kinh tế chỉ huy”, tăng thuế cũ, đặt thêm thuế mới, giảm tiền lương, sa thải công nhân...
  • Phát xít Nhật: buộc Pháp phải cung cấp nguyên liệu cho Nhật với giá rẻ; cướp ruộng đất của nông dân, bắt nông dân nhổ lúa, ngô để trồng bông, đay, thầu dầu; đầu tư vào những ngành phục vụ quân sự như khai thác mănggan, sắt...

Về xã hội:

  • Chính sách vơ vét, bóc lột Pháp – Nhật đã đẩy nhân dân ta vào tình cảnh cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944 đến đầ 1945 có gần 2 triệu đồng bào ta chết đói.
  • Tất cả các giai cấp, tầng lớp ở nước ta, đều bị ảnh hưởng bởi chính sách bóc lột của Pháp - Nhật, mâu thuẫn dân tộc gay gắt hơn bao giờ hết.

Câu 2: Chủ trương của Đảng được đề ra tại các Hội nghị Ban Chấp hành....

Chủ trương của Đảng được đề ra tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11 - 1939 và lần thứ 8 (5 - 1941) như thế nào?

Trả lời:

Chủ trương của Đảng tại hội nghị ban chấp hành trung ương tháng 11/1939:

  • Hội nghị xác định nhiệm vụ, mục tiêu đấu tranh trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.
  • Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi của dân tộc, chống tô cao, lãi nặng. Khẩu hiệu “lập chính quyền xô viết công – nông –binh” được thay thế bằng khẩu hiệu “chính quyền dân chủ cộng hòa”.
  • Về phương pháp đấu tranh, Đảng chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp.
  • Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương thay cho mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Chủ trương của Đảng tại hội nghị ban chấp hành trung ương lần thứ 8 (5/1941):

  • Hội nghị khẳng định chủ trương đề cao hơn nữa nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đưa nó lên hàng đầu: Cuộc cách mạng Đông Dương giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng.
  • Hội nghị tạm gác khẩu hiệu “đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày” thay bằng khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất cho bọn đế quốc, Việt gian chia cho dân cày nghèo”, thực hiện giảm tô, giảm tức…
  • Hội nghị chủ trương thành lập mặt trận dân tộc thống nhất riêng mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Ở Việt Nam thành lập Việt Nam độc lập đồng minh.
  • Hội nghị quyết định xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang . Đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng giai đoạn hiện đại.
  • Hội chính thức bầu ra ban chấp hành trung ương mới, bầu Trường Chinh làm tổng bí thư.

Câu 3: Hãy lập bảng tóm tắt nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa của khởi....

Hãy lập bảng tóm tắt nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa của khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kì và binh biến Đô Lương?

Trả lời:

Nội dung

Khởi nghĩa Bắc Sơn

Khởi nghĩa Nam Kì

Binh biến Đô Lương

Nguyên nhân

Nhật đẩy mạnh kế hạch đánh chiếm Đông Dương.

Ngày 22-9-1940, Nhật đổ bộ lên Đồ Sơn (Hải Phòng)

Pháp bị tổn thất nặng nề, rút chạy về Bắc Sơn.

Năm 1940, Pháp và Thái Lan xảy ra xung đột, thanh niên Việt Nam bị ép tham gia chiến đấu. Do đó, nhân dân Nam Kì và binh lính đã đấu tranh phản đối việc đưa binh lính ra mặt trận.

Binh lính người Việt trong quân đội Pháp phản đối việc họ bị đưa sang Lào để đấu tranh với Thái Lan.

Diễn biến

Tháng 9 - 1940, nhân dân Bắc Sơn nổi dậy chống Pháp và giành được chính quyền tại địa phương, lập nên đội du kích Bắc Sơn.

Mấy ngày sau, Pháp câu kết với Nhật, chúng khủng bố cuộc khởi nghĩa.

Tháng 11 - 1940, khởi nghĩa nổ ra từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ.

Kế hoạch bị lộ, Pháp cho ném bom tàn sát nhân dân.

Lực lượng khởi nghĩa còn lại phải rút về Đồng Tháp và U Minh.

Tháng 1 – 1941, binh lính đồn Chợ Rạng dưới sự chỉ huy của Đội Cung đã nổi dậy đấu tranh chiếm đồn Đô Lương rồi lên ô tô về Vinh để chiếm thành.

Kế hoạch bất thành, toàn bộ binh lính nổi dậy bị bắt, Đội Cung và 10 đồng chí của ông bị xử bắn, nhiều người bị lưu đày.

Ý nghĩa

Mở đầu phong trào vũ trang giải phóng dân tộc.

Giúp Đảng rút ra những bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, chọn thời cơ khởi nghĩa.

Chứng tỏ tinh thần yêu nước, sẵn sàng đứng lên chống quân thù của nhân dân Nam Bộ.

Là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc.

Bước đầu đấu tranh bằng vũ lực.

Câu 4: Nêu những nét chính về công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của Đảng từ....

Nêu những nét chính về công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của Đảng từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5 - 1941)?

Trả lời:

Sau hội nghị Trung ương lần thứ 8, chúng ta tiến hành chuẩn bị khởi nghĩa:

Về xây dựng lực lượng chính trị:

  • Vận động quần chúng tham gia Việt Minh, xây dựng các hội cứu quốc.
  • Ủy ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng và ủy ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao – Bắc  - Lạng được thành lập.
  • Năm 1943, Đảng đưa ra đề cương Văn hóa Việt Nam,vận động thành lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam.

Về xây dựng lực lượng vũ trang:

  • Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, đội du kích Bắc Sơn thành lập, hoạt động tại căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.
  • Năm 1941, các đội du kích Bắc Sơn thống nhất thành Trung đội Cứu quốc quân số I (14-2-1941), phát động chiến tranh du kích trong 8 tháng.
  • Ngày 15/9/1941, Trung đội Cứu quốc quân II ra đời.

Về xây dựng địa căn cứ cách mạng:

  • Hai  căn cứ địa đầu tiên của cách mạng nước ta là: Bắc Sơn – Võ Nhai và Cao Bằng
  • Hội nghị Trung ương 11/1940 xây dựng Bắc Sơn – Võ Nhai thành căn cứ địa cách mạng .
  • 1941, sau khi về nước, Nguyễn Ai Quốc chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa dựa trên cơ sở lực lượng chính trị và tổ chức phát triển…

Câu 5: Nêu hoàn cảnh lịch sử và diễn biến khởi nghĩa từng phần từ tháng 3....

Nêu hoàn cảnh lịch sử và diễn biến khởi nghĩa từng phần từ tháng 3 đến giữa tháng 8 – 1945?

Trả lời:

  • Hoàn cảnh lịch sử:
    • Hồng quân Liên Xô tiến đánh Béclin, một loạt nước châu Âu được giải phóng
    • Mâu thuẫn Nhật - Pháp ngày càng gay gắt.
    • Tháng 3 - 1945, Nhật đảo chính Pháp, Pháp chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng.
    • Trong bối cảnh đó, Đảng xác định kẻ thù trước mắt là phát xít Nhật.
  • Diễn biến:
    • Hình thức đấu tranh từ bất hợp tác, bãi công, bãi thị đến biểu thình, thị uy, vũ trang du kích và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện.
    • Ở khu căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng, hoàng loạt các xã, châu, huyện được giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập.
    • Tại Bắc Kì và Trung Kì, phong trào diễn ra manh mẽ dưới khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”.
    • Làn sóng khởi nghĩa từng phần diễn ra rộng khắp cả nước.

Câu 6: Nêu hoàn cảnh lịch sử và diễn biến của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945?

Trả lời:

Hoàn cảnh diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945:

  • Hoàn cảnh lịch sử:
    • Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, tạo điều kiện cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
    • Ở Việt Nam, lệnh Tổng khởi nghĩa được phát động trong cả nước.
  • Diễn biến:
    • Ngày 16 - 8 - 1945, một đơn vị Giải phóng tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên.
    • Ngày 17 - 8 - 1945, quần chúng Hà Nội tổ chức mít tinh, thể hiện sự ủng hộ chính quyền cách mạng.
    • Ngày 18 - 8 - 1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành chính quyền.
    • Ngày 19 - 8 - 1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi.
    • Ngày 23 - 8 - 1945, giành chính quyền ở Huế.
    • Ngày 25 - 8 - 1945, giành chính quyền ở Sài Gòn.
    • Ngày 28 - 8 - 1945, Đồng Nai Thượng và Hà Tiên là các tỉnh giành chính quyền muộn nhất.
    • Ngày 30 - 8 - 1945, Vua Bảo Đại thoái vị. Chế độ phong kiến Việt Nam hoàn toàn sụp đổ.

Câu 7: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập như thế nào?

Trả lời:

  • Ngày 25/8/1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Ủy ban Dân tộc giải phóng về đến Hà Nội
  • Ngày 28/8/1945, Ủy ban Dân tộc giải phóng cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Câu 8: Nêu nội dung cơ bản của Tuyên ngôn độc lập (2 - 9 - 1945)?

Trả lời:

Ngày 2-9-1945 Chủ Tịch Hồ Chí Minh  đọc bản Tuyên ngôn Độc lập , thành lập nước Việt  nam dân Chủ Cộng Hòa .

Nội dung :

  • Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.
  • Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
  • Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Câu 9: Nêu nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của...

Nêu nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945?

Trả lời:

Nguyên nhân thắng lợi:

  • Kế thừa và phát huy đến cao độ truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh hùng, bất khuất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.
  • Sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch đường lối đấu tranh đúng. Nhân dân kiên quyết cách mạng.
  • Điều kiện khách quan thuận lợi: Hồng quân Liên Xô đánh bại quân Nhật – tạo thời cơ cho nhân dân ta nổi dậy dành chính quyền .

Ý nghĩa lịch sử:

  • Đối với trong nước: Cách mạng tháng Tám đã đánh đuổi được bọn đế quốc, giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước Viêt Nam dân chủ cộng hòa. Sự kiện này đã đưa ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, dân chủ cộng hòa. Đưa dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, đưa Đảng ta từ một Đảng hoạt động bất hợp pháp thành Đảng cầm quyền trong cả nước. Mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta –kỉ nguyên độc lập, tự do ghi thêm một trang oanh liệt nữa vào truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm anh hùng, bất khuât của dân tộc.
  • Đối với thế giới: Cuộc cách mạng tháng Tám đã góp phần đánh bại chủ nghĩa phát xít thế giới, trong đó có phát xít Nhật ở Đông Dương. Cách mạng tháng Tám thành công không những đưa nước ta độc lập mà còn đưa nước ta đứng trong hàng ngũ những nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Cổ vũ rất lớn đến phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc. Thắng lợi góp phần củng cố hòa bình ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và ở toàn thế giới nói chung.

Bài học kinh nghiệm:

  • Giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong.
  • Triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, tập hợp mọi lực lượng yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nông làm nền tảng.
  • Kiên quyết đi theo con đường cách mạng bạo lực của quần chúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê Nin.
  • Chuẩn bị lâu dài kết hợp với thời cơ

=> Đây là những bài học có giá trị, ý nghĩa đối với chúng ta trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước sau đó.

 

II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI CUỐI BÀI

Câu 1: Mặt trận Việt Minh ra đời có tác động như thế nào đến cao trào....

Mặt trận Việt Minh ra đời có tác động như thế nào đến cao trào kháng Nhật cứu nước?

Trả lời:

Mặt trận Việt Minh ra đời ( ngày 19 – 5- 1941) đã có những tác động tích cực đến cao trào kháng Nhật cứu nước. có vai trò vô cùng quan trọng đối với cao trào Kháng Nhật cứu nước. Cụ thể là:

Đối với cách mạng tháng Tám, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp mọi lực lượng yêu nước để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng lực lượng chính trị cho cách mạng thắng lợi. Mặt trận Việt Minh có công lớn trong việc phát triển lực lượng vũ tran, trong việc chỉ đạo phong trào kháng Nhật cứu nước, tạo tiền đề cho tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Trong việc triệu tập và tiến hành thành công Quốc dân đại Đại hội Tân Trào ngày 16 và 17/8/1945, huy động nhân dân tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành được thắng lợi. Trong những ngày Tổng khởi nghĩa, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Mặt trận Việt Minh tung bay trong cả nước và trở thành Quốc kì của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được quốc hội khóa I thông qua.

Câu 2: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh....

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh trong cách mạng tháng Tám được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh trong cách mạng tháng Tám được thể hiện trong việc biết nắm bắt thời cơ và lên kế hoạch hành động.

Biết nắm bắt thời cơ: Nhận được thông tin Nhật đầ hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, sau đó ban bố “Quân lệnh số 1”, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước trước khi quân Đồng Minh kéo vào nước ta. 

Kế hoạch hành động:

  • Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc, thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa, quyết định chính sách đối nội-đối ngoại sau khi giành được chính quyền.
  • Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng triệu tập Quốc dân đại hội Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng.
  • Cùng với Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay mình. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra nhanh chóng (khoảng 15 ngày), ít đổ máu.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Câu 3: Tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám ở địa phương em?

Trả lời:

Khởi nghĩa Tháng Tám ở Sài Gòn:

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940 thất bại, lực lượng Đảng Cộng Sản và cơ sở cách mạng ở Nam Kỳ bị thực dân Pháp đàn áp dã man, tổn thất vô cùng to lớn.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, lực lượng cách mạng ở Nam Kỳ tuy đang phục hồi dần, nhưng lực lượng của đối phương vẫn đông và mạnh hơn nhiều lần.

Nhưng dựa trên sự phân tích tình hình trên thế giới và trong nước, trước sự thất trận của quân Đức ở châu Âu và quân Nhật ở châu Á, Xứ ủy Nam Kỳ nhận định thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước đã chín muồi.

Vì vậy ở Nam Kỳ nói chung và ở Sài Gòn nói riêng, phải khẩn trương làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, gây dựng phong trào quần chúng rộng rãi hướng tới Tổng khởi nghĩa.

Chỉ trong vòng 3 - 4 tháng, hàng triệu người dân cả thành thị và thôn quê được Đảng tuyên truyền và tổ chức, sẵn sàng đứng lên.

Riêng nội thành Sài Gòn lúc này có 324 công đoàn cơ sở với 120 ngàn đoàn viên; Thanh niên Tiền phong có 80 ngàn đoàn viên, hoạt động công khai và hợp pháp.

Ngày 15/8, Xứ ủy Nam Kỳ họp, xác định thời cơ khởi nghĩa tới rồi, Nam Kỳ phải kịp thời hòa vào dòng thác Tổng khởi nghĩa của cả nước. Cần thành lập ngay một Ủy ban khởi nghĩa và bắt tay vào hành động ngay.

Nhưng khi bàn về thời điểm phát lệnh khởi nghĩa, dự kiến là đêm 17 hoặc 18/8, có một số ý kiến tuy thuộc phe thiểu số nhưng rất gay gắt phản bác. Đó là ý kiến sợ "khởi nghĩa non" như 5 năm trước, là ý kiến không cần khởi nghĩa, không cần bạo động mà đấu tranh chính trị cũng có thể đi đến độc lập dân chủ.

Trong vòng bảy ngày, Hội nghị Xứ ủy phải họp tới ba lần (tại chợ Đệm, Trung Quận). Sáng 21/8, đồng chí Trần Văn Giàu, người chủ trì cả ba cuộc Hội nghị trên, đưa ra đề nghị cuối cùng được tất cả đại biểu tán thành: Giao cho Đảng bộ tỉnh Tân An làm khởi nghĩa thí điểm, sáng 23/8 trở lại báo cáo kết quả với Xứ ủy.

Tân An là cửa ngõ quan trọng phía tây nam Sài Gòn, có phong trào quần chúng sôi nổi và được chuẩn bị khá chu đáo. Ngay trong đêm 21/8, Tỉnh ủy khẩn trương họp, ra "Nghị quyết đỏ", tổ chức may cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, tập trung các đội cận vệ đỏ từ các địa phương về thị xã.

Trong ngày 22/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trọng và Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Lê Minh Xuân trực tiếp chỉ huy lực lượng đến tước vũ khí của lính bảo an tỉnh, thu hơn 140 súng.

Thanh niên Tiền phong thiết lập trật tự chung toàn thị xã; tên tỉnh trưởng Thạch trên đường từ Sài Gòn về bị ta đón lõng và bắt giam.

Tảng sáng ngày23/8, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh ra mắt đồng bào. Cùng lúc, một xe ô tô chở đoàn cán bộ của tỉnh lên Chợ Đệm báo cáo thắng lợi với Xứ ủy.

Xứ ủy quyết định Sài Gòn, trọng điểm của toàn Nam Kỳ, sẽ khởi nghĩa ngày 25/8.

Từ sẩm tối 24/8 đến 0 giờ ngày 25/8, các đội xung phong công nhân và thanh niên đã hoàn tất việc chiếm tất cả các cơ quan trong nội ô thành phố, không gặp trở ngại gì: từ Nhà đèn chợ Quán, Sở Mật thám, bót cảnh sát, đến Đài phát thanh, dinh Đốc lý...

Khâm sai Nam Kỳ - Nguyễn Văn Sâm và Đổng lý văn phòng Phủ Khâm sai - Hồ Văn Ngà bị giữ tại buồng ngủ của họ tại dinh Khâm sai.

Riêng Ngân hàng Đông Dương do có nhiều quân Nhật nên ta không chiếm được, vì có chủ trương không xung đột với chúng lúc này nên anh em được lệnh rút lui.

Từ nửa đêm đến tờ mờ sáng, công nhân, viên chức, nhân dân nội thành và ngoại ô bắt đầu tập hợp theo đoàn, theo giới, trương cờ, băng khẩu hiệu, trang bị vũ khí thô sơ, tiến dần vào trung tâm thành phố.

Ủy ban khởi nghĩa đứng trước một vấn đề không đơn giản là số người tham gia khởi nghĩa có thể lên tới một triệu và nhiều hơn thế (bà con ở các tỉnh lân cận xa 30 - 40km cũng đi xe đò, xe ngựa đến). Vì vậy phải có kế hoạch giữ trật tự thật chu đáo, không cho địch lợi dụng để phá phách, khiêu khích.

Từ sáng sớm ngày 25/8, cả triệu quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào thành phố, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền.

Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: "Việt Nam hoàn toàn độc lập!", "Tất cả về tay Việt Minh!", "Mặt trận Việt Minh muôn năm!", "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!", "Độc lập hay là chết!".

Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, bay phấp phới hiên ngang trên các công sở.

Quần chúng như một biển người kéo về dự mít tinh, hoan nghênh Ủy ban Nhân dân Nam Kỳ. Đoàn người xếp thành hàng ngũ suốt từ đại lộ No-rô-đôm đến Sở thú, từ sau Nhà thờ Đức Bà đến bót Giếng nước, trung tâm là lễ đài đã được dựng xong từ đêm 24/8.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa báo cáo việc chiếm lĩnh xong các cơ quan chính quyền địch trong đêm vừa qua, nói về ý nghĩa quan trọng của cuộc biểu tình tuần hành vũ trang ngày hôm nay và ý nghĩa của cách mạng đã nổ ra thắng lợi chẳng những ở Sài Gòn mà cả ở Hà Nội, Huế và khắp nước Việt Nam.

Đồng chí cũng không quên nhắc lại những hy sinh to lớn, anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước để có được ngày hôm nay.

Sau đó, cuộc biểu tình vũ trang bắt đầu, đi đầu là lá cờ mặt trận và cờ Đảng, đoàn biểu tình đi theo đường Ca-ti-nat (nay là đường Đồng Khởi) về trước dinh Đốc lý.

Tại đây, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tuyên đọc danh sách của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.

Đồng chí Nguyễn Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Nam Bộ đọc bản hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn đọc lời hiệu triệu của Xứ ủy Nam Bộ, kêu gọi đồng bào hết lòng ủng hộ chính quyền cách mạng, dân chủ của mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập vừa giành được.

Báo chí tại Sài Gòn nhất loạt đăng bài tường thuật và bình luận sự kiện lịch sử này với tất cả niềm hân hoan tự hào của một dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng đổi đời. Đây là một cuộc thay đổi hết sức to lớn trong lịch sử của thành phố.

Trong hoàn cảnh chưa liên lạc được với Trung ương, lực lượng địch và các phe phái phản động còn đông, Xứ ủy Nam Kỳ đã có sự nhận định tình hình đúng đắn, nhạy bén, nêu cao tinh thần dám nghĩ và tự quyết đoán, vận dụng sáng tạo nghệ thuật nắm thời cơ cách mạng và tiến hành khởi nghĩa thắng lợi.

Nhờ vậy, khởi nghĩa ở Sài Gòn và Nam Bộ tháng 8/1945 đã kịp thời hòa vào làn sóng Tổng khởi nghĩa của cả nước.

Nói về tầm quan trọng của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, tiếp theo các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: "Cách mạng tháng Tám là một cuộc Tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn".

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Đọc tiếp:
Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok